• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA PHÒNG GD & ĐT HƯỚNG HÓA
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mẫu tử

Đi làm về, vừa bước vào nhà Hoàng đã thấy vợ ngồi buồn rượi và có vẻ tư lự hơn mọi ngày. - Có việc gì thế em? - Anh ơi – vợ Hoàng rơm rớm nước mắt- Cô Nga phát bệnh nặng, phải nhập viện rồi anh ạ!

MẪU TỬ

 

Đi làm về, vừa bước vào nhà Hoàng đã thấy vợ ngồi buồn rượi và có vẻ tư lự hơn mọi ngày.

-         Có việc gì thế em?

-         Anh ơi – vợ Hoàng rơm rớm nước mắt- Cô Nga phát bệnh nặng, phải nhập viện rồi anh ạ!

-         Thế sao! Lúc nào mà anh không biết?

-         Lúc sáng em mới nhận được điện thọai báo tin.

-         Sáng nay anh có ca mổ nên tắt di động đó mà...

Hoàng ngồi phịch xuống ghế. Áp lực của ca mổ sáng nay không hề làm anh mệt mỏi vậy mà khi nghe vợ báo tin dữ, anh cảm thấy đất trời bỗng tối sầm lại, ruột gan dường như đang bị một cơn co thắt khiến anh nhăn mặt. Trời ơi, sao cuộc đời cô lại gặp nhiều tai ương đến vậy....

Sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo, Hoàng đã sớm nhận thức được sự vất vả nhọc nhằn của bố mẹ. Là con trai đầu lòng, sau Hoàng còn ba đứa em nheo nhóc nên đã đến tuổi cấp 2 rồi mà Hoàng vẫn chỉ bằng các bạn học tiểu học.Tuy nhỏ con nhưng Hoàng rất nhanh nhẹn, đặc biệt là đôi mắt thông minh lanh lợi lúc nào cũng sáng ngời trên khuôn mặt đen sạm. Ngoài giờ học, Hoàng luôn tất bật với tất cả mọi việc trong nhà ngoài đồng để đỡ đần bố mẹ và các em. Bố mẹ Hoàng quanh năm quần quật vất vả mà cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Những ngày nông nhàn, bố lại chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Mẹ Hoàng theo chị em đi khắp nơi để mua phế liệu. Tuy vất vả nhưng mẹ rất vui vì từ những đồng tiền lẻ cóp nhặt được đó sẽ mua đủ sách vở áo quần cho mấy đứa con đi học.

Vốn là người chất phác thật thà, không hiểu từ lúc nào bố Hoàng đã thay đổi tinh nết. Mỗi ngày chạy xe về đến nhà ông đều trong tình trạng say khướt. Hoàng không biết bố chạy xe được bao nhiêu tiền, đưa cho mẹ được chừng nào mà ngày nào bố cũng ngà ngà hơi men. Mẹ đã nhiều lần nhắc nhở , lúc đầu bố chỉ im lặng lên giường đi ngủ nhưng dần dần bố bỏ ngoài tai hết. Những lúc say bố cứ kiếm cớ gây sự đủ điều. Mẹ chỉ im lặng gạt nước mắt, mấy đứa em của Hoàng sợ quá chúi vào một góc nhà, riêng Hoàng vẫn cố chịu đựng cơn thịnh nộ của bố và kiên nhẫn ngồi học bài. Không dừng lại ở đó, hễ đi thì chớ, về đến nhà là bố lại gây sự và chửi bới vợ con rồi tiện tay vớ được cái gì là bố đập phá cho hả giận. Đầu tiên là những chiếc ly uống nước, cái bát ăn cơm rồi đến cái phích nước...đều lần lượt ra đi. Hoàng giận bố lắm nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Nó buồn lắm, vừa giận lại vừa thương bố. Cảnh nhà đã nghèo lại càng nghèo thêm. Được cái ti vi là nguồn vui duy nhất của anh em nó cũng đã bị bố đập nốt. Bữa cơm gia đình bao giờ cũng u ám và chan đầy nước mắt. Hoàng học sút hẳn đi. Cứ mỗi lần ngồi vào bàn học là lại nghe điệp khúc rền rĩ của bố, tiếng thút thít khóc của mẹ , tiếng nấc của mấy đứa em là Hoàng lại không còn tâm trí đâu để học bài nữa. Chập chờn trong giấc ngủ đầy mộng mị, mới 4 giờ sáng Hoàng đã thức dậy để giúp mẹ nấu rau heo, gánh nước và chuẩn bị bữa sáng cho các em rồi mới tới trường. Chưa đầy một tháng mà Hoàng đã thay đổi hoàn toàn. Từ một lớp trưởng năng nổ, vui vẻ, nhiệt tình luôn đi đầu trong thành tích học tập và các hoạt động của trường của lớp, giờ đã trở thành một người trầm cảm, ít nói ít cười, uể oải và đôi mắt trong veo luôn thất thần. Số buổi vắng học của Hoàng cứ tăng dần lên trước sự ngạc nhiên của cô giáo và các bạn trong lớp. Cô Nga – Giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần ân cần thăm hỏi nhưng Hoàng chỉ lặng lẽ không nói. Nhìn những giọt nước mắt ngắn dài của cậu học trò nhỏ đáng yêu, cô hiểu em đang phải chịu đựng nỗi khổ tâm rất lớn.

Điều mà cô lo lắng nhất đã tới: Hoàng bỏ học. Không cam tâm khi nghĩ đến tương lai của cậu học trò nhiều triển vọng này bị mai một , cô giáo Nga đã lặn lội tới nhà Hoàng để tìm hiểu và cô đã thấu hiểu ....Hoàng khóc òa lên khi thấy cô giáo và các bác trong Hội phụ huynh đến thăm nhà nó. Lựa lúc bố mẹ Hoàng có nhà và bố Hoàng đang tỉnh táo, cô giáo và các bác đã nói chuyện rất lâu. Không biết cô đã nói những gì mà bố Hoàng có vẻ buồn và tư lự lắm. Nó thấy bố thở dài và nhìn nó như hối lỗi. Hôm sau Hoàng đến trường, một bất ngờ lớn đã đến : Hội khuyến học đã tặng Hoàng một chiếc xe đạp rất đẹp – điều mà Hoàng từng mong ước bấy lâu- để đến trường. Hoàng bối rối khi gặp ánh mắt đầy yêu thương nhân hậu và khích lệ của cô giáo. Hoàng chợt hiểu, cô đã làm tất cả để nó được đến trường.

Thấm thoắt năm học cuối cấp hai cũng đã đến. Bố mẹ Hoàng rất tự hào về thành tích học tập của con trai. Thời gian học tập và bồi dưỡng để đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh của trường kín hết cả tuần. Thấy Hoàng vất vả đường xa mà ngày hai buổi phải đạp xe đi về, cô giáo đã đến gặp bố mẹ  xin cho Hoàng được ở lại nhà cô để đi học  gần và tiện và cô giáo có điều kiện kèm cặp thêm về kiến thức nâng cao.

Những năm học ở trường, Hoàng đã biết đến hoàn cảnh của cô giáo Nga nhưng khi bước vào nhà cô, Hoàng không thể tin vào mắt mình được nữa. Chồng cô là bộ đội xuất ngũ. Cô chú có một bé trai rất kháu khỉnh dễ thương. Bé lớn nhanh và rất thông minh nhưng đến năm lên hai tuổi, tự nhiên đôi chân của bé cứ teo dần. Cô chú đã chạy chữa rất nhiều nhưng bất lực vì di chứng của chất độc da cam đã ngấm vào chú và ảnh hưởng đến bé Minh. Cô chú không sinh thêm em bé mà chỉ lo lắng chăm sóc và bù đắp cho bé Minh. Bận bịu suốt ngày nhưng ngôi nhà của cô lúc nào cũng khang trang sạch sẽ, yên tĩnh , ấm cúng và đầy ắp tiếng cười. Ngoài giờ làm ở trang trại, chú lại về giúp cô chăm sóc đứa con tật nguyền . Bữa cơm đầu tiên ở nhà cô, Hoàng ăn ngon lành như chưa bao giờ ngon hơn thế. Mâm cơm chỉ có tô canh rau nấu với tép, bát cà pháo trắng tinh và đĩa đậu phụ rán chấm nước mắm nhưng ngon lạ lùng. Hoàng liên tưởng đến những bữa cơm trong cơn thịnh nộ của bố mà rùng mình. Cô chú coi Hoàng như con và muốn Hoàng ở lại để học lên cấp ba và thi vào đại học luôn. Suốt mấy năm trời ở gần cô giáo, Hoàng thấy cô không những là một cô giáo giỏi toàn diện mà cô còn nhân hậu biết chừng nào. Hoàn cảnh gia đình cô còn khó khăn nhưng cô vẫn luôn tâm huyết và nhiệt tình với bất cứ một em học sinh nào gặp hoàn cảnh khó khăn. Không phụ lòng mong mỏi của cô, Hoàng đã côc gắng học rất giỏi. Những đêm khuya ngồi học bài , cô vẫn kề bên lo cho Hoàng  từng ly sữa, từng trái cam. Rồi Hoàng đỗ vào trường Đại học y khoa, cô đã dành dụm đồng lương ít ỏi của mình, chắt chui tằn tiện trong việc chi tiêu của gia đình để mua cho Hoàng một chiếc máy tính xách tay để tiện cho việc học hành. Trong những năm học Đại học, Hoàng luôn đạt sinh viên xuất sắc và được nhận học bổng toàn phần. Về thăm cô giáo cũ, bao giờ Hoàng cũng chọn những giò phong lan thật đẹp- loài hoa cô yêu thích nhất- để làm quà. Ra trường, làm việc tại một bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh rồi xây dựng gia đình, Hoàng ít có thời gian để về thăm cô hơn nhưng lòng nó vẫn luôn hướng về cô. Từ lâu, Hoàng đã xem cô đã là người mẹ thứ hai của mình. Cuộc sống và sự nghiệp của Hoàng ngày hôm nay chính là nhờ cô tạo dựng cho mà có. Nếu không có sự khích lệ động viên và giúp đỡ kịp thời của cô chú thì mình  không thể có ngày hôm nay. Tình cô đối với mình như tình mẫu tử...

Mãi suy tư trong ký ức triền miên, Hoàng giật mình khi nghe tiếng vợ bên tai:

-         Cô bị suy thận anh ạ, hiện tại cô đang rất nguy kịch.

-         Ngày mai anh sẽ bay ngay về với cô. Nhất định cô sẽ  khỏe mạnh lại em ạ!

 

                                                                            Đặng Thị Yên

                                                                  Trường tiểu học Tân Lập.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh

    Nội dung đang cập nhật...